Không chấp nhận chỉ là thợ viết
TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay viết chỉ là 1 nhiệm vụ của 1 nhà báo. AI chỉ làm tăng hiệu quả cho nhà báo, cho các tòa soạn. Vì vậy theo ông Kiền, AI ra đời là để định vị lại vị trí của nhà báo trong nền công nghiệp báo chí và tòa soạn, không phải loại nhà báo khỏi cuộc chơi.
“Đưa tin viết bài là năng lực đầu tiên của một phóng viên, là kĩ năng nghề nghiệp. Nếu chỉ sống bằng kĩ năng đó thì phóng viên mãi chỉ là thợ viết tin và việc này AI làm tốt hơn nên con người sẽ bị thay thế”, ông Kiền nói và nêu ví dụ năm 2020, một hãng truyền thông của Mỹ đã chế tạo ra nền tảng AI có khả năng sản xuất 2.000 video clip từ dữ liệu mở trên toàn cầu. Cứ cho rằng sau khi sàng lọc, chỉ khoảng 5% số đó có chất lượng thì 1 ngày 1 nền tảng AI sản xuất được 100 video mà một tòa soạn khắt khe nhất có thể dùng được. Trong khi cần bao nhiêu con người để sản xuất 100 video đó trong 1 ngày? Nhà báo chỉ làm được công việc của một cái máy sẽ bị thay thế. Khi thị trường báo chí có nhân tố mới (chính là AI), nhà báo phải tìm được chỗ đứng, thị phần của mình. “Nhà báo không phải lo bị ảnh hưởng như thế nào mà hãy nghĩ mình tiếp tục làm báo như thế nào”, ông Kiền chia sẻ và đưa ra định hướng làm thế nào để định vị lại vai trò của nhà báo.
Sinh viên ngành Báo chí, Viện Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội thực tập tại các studio. Ảnh: Diệp An
Trong bối cảnh mạng xã hội, AI phát triển thì báo chí là nơi độc giả kiểm chứng độ tin cậy của nguồn tin, không còn vai trò là nơi cung cấp thông tin. Độc giả tìm đến báo chí để đọc ấn tượng về thông tin. Báo chí là nơi thể hiện chính kiến về sự kiện dưới sự kiến giải, định hướng của nhà báo và tòa soạn. Theo ông Kiền, độc giả tìm đến báo chí còn là để được định hướng cảm xúc. Chỉ nhà báo mới viết được bài điều tra, phóng sự khiến độc giả phẫn nộ hoặc xúc động. Báo chí hay văn học nghệ thuật là nơi kết tinh cao nhất cảm xúc của con người. Nhìn dưới góc độ đó có thể thấy đất của nhà báo vẫn mênh mông. Trong bối cảnh AI xuất hiện, báo chí sẽ không chấp nhận thợ báo, thợ viết.
“Chúng tôi vẫn dạy sinh viên rằng, báo chí, nhà báo phải hoạt động vì cuộc sống, vì lợi ích của người dân trong xã hội. Trong thời đại kĩ thuật số với sự phát triển mạnh mẽ của AI, đạo đức nghề báo cần được đề cao và thực thi một cách hiệu quả hơn bao giờ hết. Thay vì lo sợ AI, mỗi người làm báo, trong đó có sinh viên báo chí cần có đủ bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức để sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ công việc. AI có thể làm được nhiều việc thay con người nhưng điều mấu chốt là con người có trái tim ấm nóng, biết yêu thương và khối óc thông minh, tỉnh táo, sáng tạo mà không một AI nào có thể thay thế”.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang
PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho hay sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật đã cung cấp cho ngành Báo chí - Truyền thông các công cụ và phương thức truyền thông tiên tiến vượt trội. Môi trường truyền thông mới, đặc biệt là việc chuyển đổi số báo chí đòi hỏi phải có cơ chế mới trong việc bồi dưỡng và đào tạo nhà báo. Nhà báo số hiện nay phải biết ứng dụng các kỹ thuật truyền thông mới, biết quay phim, viết, xử lý âm thanh, hình ảnh, đồng thời phải nắm bắt các kỹ thuật thông tin hiện đại như Skype, MSN, blog, Podcasting… Điều này cho thấy, mô hình đào tạo nhà báo truyền thống đã trở nên lạc hậu, khó đáp ứng được nhu cầu trong môi trường truyền thông mới.
Bình tĩnh để ứng phó
Theo ông Kiền, căn cơ của vấn đề vẫn là con người và đào tạo ra con người. Quan trọng nhất đối với 1 nhà báo dưới quan điểm của Viện Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là tri thức nền tảng. Nếu chỉ cần một “thợ viết” tin chỉ cần luyện tập 3 tháng; để viết 1 bài phản ánh hay 1 bài phỏng vấn đơn thuần chỉ cần thực tập tại 1 tòa soạn 1 năm là thành thạo các kĩ năng. Nhưng thứ để nhà báo đi xa, định hình được phong cách là ở tri thức. Tuy vậy thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để trường ĐH vẫn giữ được vẻ đẹp của sự hàn lâm và cập nhật được với sự phát triển công nghệ, yêu cầu của thời đại. “Tôi nghĩ các trường ĐH đào tạo báo chí cần bình tĩnh trước biến đổi của khoa học công nghệ. Bình tĩnh để tiếp nhận nó như một xu hướng”, ông Kiền chia sẻ.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam thông tin thực tế ở nhiều tòa soạn báo và đài truyền hình, phóng viên hiện nay đều đã tác nghiệp theo phương thức “đi 1 về 3” (một ê kíp đi sản xuất 3 sản phẩm báo chí cho các nền tảng khác nhau). Các nhà báo cũng cần có những kĩ năng Mojo (báo chí di động) và tư duy mobile, đồng thời phải sớm sử dụng AI như những trợ lí đắc lực trong quá trình tác nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng AI chắc chắn thay đổi sâu sắc và toàn diện ngành Báo chí - Truyền thông. Bên cạnh những cơ hội lớn mà AI mang tới như: cải thiện quy trình tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí; thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình thu thập, xử lý, xuất bản, chia sẻ, tối ưu hóa; tìm kiếm nhiều cơ hội tăng doanh thu cho cơ quan báo chí…, AI cũng đi kèm những đe dọa tiềm tàng như: nguy cơ thông tin giả (fake news); nguy cơ mất vị thế của báo chí và việc làm của nhà báo; nguy cơ lạm dụng quyền tự do báo chí/ngôn luận…
“Các cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam nói chung và tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng đã nhìn nhận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi AI xuất hiện. Chúng tôi đã chú ý để cập nhật trong chương trình đào tạo những nội dung về AI, đồng thời nhấn mạnh đến những nội dung mang “tính Người”, đậm chất nhân văn, sáng tạo, gắn bó với thực tiễn, giải quyết những vấn đề của đời sống con người - điều mà AI không/chưa thể làm được”, bà Giang nói và cho rằng sinh viên nếu không chủ động tìm hiểu, học hỏi, không biết ứng dụng công nghệ AI vào công việc báo chí - truyền thông, thiếu cầu thị, và tự biến mình thành người viết “salon” thì sẽ khó có cơ hội việc làm cũng như chỗ đứng trong bối cảnh cạnh tranh và yêu cầu cao của thị trường lao động hiện nay.
PGS Nguyễn Thành Lợi cho rằng mục đích cuối cùng là đào tạo ra những người làm báo gắn thực tiễn với đời sống báo chí và họ không phải chỉ là “đánh trận trên giấy”, mà cần có vốn kiến thức sâu rộng, kỹ năng tác nghiệp đa năng. Hơn lúc nào hết, hiện nay rất cần đội ngũ giảng viên có kiến thức và kỹ năng tốt, nền tảng tri thức phong phú, nắm bắt các kỹ năng làm báo mới, truyền thông đa phương tiện, sử dụng thành thạo truyền thông xã hội…
Nghiêm Huê